Ngày 25/9, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty) đã tổ chức hội thảo Đánh giá giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt HDT10 tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Giống lúa HDT10 là giống lúa thơm, chất lượng cao do Viện cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo và khảo nghiệm sản xuất từ năm 2012 tại các tỉnh phía Bắc. Đây là giống ngắn ngày, năng suất cao, thích hợp cho gieo trồng vụ xuân muộn và mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc.
Các đại biểu thăm quan diện tích canh tác bằng giống lúa HDT10 tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. |
Từ năm 2012, Công ty đã có sự quan sát và đánh giá giống lúa này trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia và khảo nghiệm sản xuất tại các vùng sinh thái khác nhau ở khu vực phía Bắc. Nhận thấy tiềm năng để đưa vào sản xuất hàng hóa chất lượng cao tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, Công ty đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Viện cây lương thực và Cây thực phẩm để mở rộng và phát triển.
Trên địa bàn Hà Nội, giống lúa HDT10 đã được khảo nghiệm sản xuất tại một số huyện như Thường Tín, Quốc Oai, Đông Anh. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống HDT10 trung bình đạt năng suất 6 tấn đến 6,5 tấn/ha trong vụ xuân, đặc biệt tại một số điểm khảo nghiệm trong vụ xuân, năng suất của giống lúa HDT10 đã đạt tới 7,5 đến 8 tấn/ha tương đương 2,7 tạ đến 3 tạ/sào Bắc Bộ, ít nhiễm sâu bệnh hại chính, đặc biệt là bệnh bạc lá trong vụ mùa chỉ ở mức nhiễm nhẹ. Trong khi đó, chất lượng gạo của giống HDT10 được đánh giá hạt gạo dài, trắng trong, tỷ lệ gạo xát và gạo nguyên cao, cơm mềm, có mùi thơm, ngon điểm 3 tương đương Bắc thơm số 7.
Kết quả khảo sát mới nhất trong vụ Xuân năm 2017 của Công ty tại các địa phương cho thấy: Tại huyện Đông Anh số bông/khóm đạt 5,6; tại Gia Lâm đạt 5,8; tại Sóc Sơn đạt 5,6; tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đạt 5,6, tại Thái Nguyên đạt 5,8. Tỷ lệ hạt lép chỉ từ 11,9% đến 12,5%. Năng suất đạt 66,5 tạ/ha đến 83,1 tạ/ha. Ghi nhận năng suất cao nhất đạt được tại huyện Gia Lâm lên tới 83,1 tạ/ha.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội phát biểu ý kiến. |
Đánh giá chi tiết hơn, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: Giống HDT10 có thời gian sinh trưởng ngắn 138 ngày sau gieo trong vụ xuân và 108 ngày trong vụ mùa, tương đương BT số 7 và HT1. HDT10 có bộ lá khỏe, đứng, lá xanh đậm, độ tán lá muộn và có độ thuần cao trên đồng ruộng, chống đổ tốt. Tỷ lệ gạo thương phẩm của HDT10 đạt 70,9%, cao hơn nhiều giống lúa thơm khác chỉ đạt khoảng 68% nên rất có lợi cho chế biến gạo thương phẩm. Hạt gạo là dạng dài, nhỏ, thon, trắng trong là dạng hạt được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Cơm có vị đậm đà, tuy nhiên cơm của giống lúa HDT10 có mùi thơm nhẹ hơn so với cơm của giống lúa Bắc thơm số 7.
Tại vụ Mùa năm 2017, Công ty đã triển khai gieo cấy tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình với tổng diện tích 300ha. Năng suất tối thiểu đạt 2,1 tạ/sào Bắc Bộ lúa đạt năng suất cao trên đất vàn, vàn cao, nông dân không phải sử dụng phân bón ở giai đoạn cuối…
Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Mỗi năm Hà Nội khảo nghiệm từ 20 đến 25 giống lúa mới nhằm tìm được bộ giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh giúp nông dân năng cao hiệu quả từ sản xuất lúa, xây dựng các cánh đồng lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường… Và với các ưu điểm vượt trội, bà Thoa kỳ vọng HDT10 sớm được sản xuất đại trà trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, bà Thoa cũng cho rằng các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và thực phẩm, Công ty cần đầu tư chất xám để tăng tính ổn định của giống cũng như xây dựng chiến lượng, định hướng thị trường để đông đảo nông dân, các HTX nắm được và triển khai mở rộng diện tích.
Trọng Tùng